Bệnh táo bón là một vấn đề ở đường tiêu hóa tương đối phổ biến và có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng, độ tuổi nào. Do đó, ngoài tìm hiểu về các triệu chứng, nguyên nhân, những thắc mắc như “cách trị táo bón”, “bị táo bón phải làm sao?”, “làm thế nào phòng ngừa khỏi bị bón?”… cũng rất được quan tâm.
Thỉnh thoảng, bạn có thể bị bón do nhiều nguyên nhân như chế độ ăn ít chất xơ, uống không đủ nước… Tuy nhiên, một số người có thể gặp phải tình trạng này trong thời gian dài và trở thành bệnh mạn tính.
Để tìm hiểu rõ hơn về khái niệm cũng như các triệu chứng, nguyên nhân của tình trạng táo bón để có cách điều trị, phòng ngừa hiệu quả, mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
Bệnh táo bón (bón) là gì?
Táo bón (hay bón) được định nghĩa là tình trạng đi cầu ít hơn hoặc bằng 3 lần trong một tuần. Khi đi cầu, phân có thể khô và cứng hơn bình thường, đôi khi gây đau trong lúc đi. Hầu hết trường hợp, táo bón chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn và không gây ra vấn đề sức khỏe gì nghiêm trọng.
Thế nhưng, khi tình trạng này kéo dài trong vài tuần hoặc lâu hơn có thể trở thành một bệnh lý mạn tính. Người bị táo bón mạn tính sẽ cảm thấy khó chịu và chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng. Căn bệnh này cũng có thể gây ra căng thẳng quá mức, ức chế nhu động ruột hoạt động bình thường.
Trong một vài trường hợp, táo bón có thể là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý khác như bệnh đại trực tràng, polyp đại trực tràng, ung thư…
Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh táo bón là gì?
Các dấu hiệu và triệu chứng chính khi bị táo bón gồm:
- Đi cầu ít hơn 3 lần/tuần
- Phân cứng, khô hoặc rời rạc thành từng cục
- Gặp khó khăn khi đi đại tiện
- Có cảm giác chưa tống hết phân ra ngoài
- Cần có biện pháp hỗ trợ để đi cầu được như dùng tay ấn vào bụng
Các triệu chứng khác có thể gặp phải ở một số trường hợp là:
- Đau hoặc cảm giác quặn bụng
- Cảm thấy đầy hơi
- Chảy máu trực tràng trong hoặc sau khi đi đại tiện
- Buồn nôn
- Mất cảm giác ngon miệng.
Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?
Nếu bạn nhận thấy có những vấn đề liên quan đến đại tiện mà không giải thích được hoặc kéo dài, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Trường hợp bị táo bón kèm theo những triệu chứng sau, bạn nên đến bệnh viện để thăm khám ngay:
- Táo bón xen kẽ với tiêu lỏng
- Máu xuất hiện trong phân
- Đau bụng liên tục
- Nôn mửa
- Sốt
- Đau thắt lưng
- Sụt cân
- Mệt mỏi
- Mất ngủ
- Đổ mồ hôi đêm
Nguyên nhân gây táo bón (bón) là gì?
Táo bón thường xảy ra khi khối phân di chuyển bên trong ruột quá chậm và bị hấp thu quá nhiều nước ở ruột già, từ đó khối phân có thể trở nên khô và cứng. Tình trạng táo bón ở trẻ em thường không nghiêm trọng và chủ yếu là do chế độ ăn uống và thói quen đi vệ sinh không khoa học.
Các nguyên nhân phổ biến gây ra chứng táo bón ở người lớn là:
- Sử dụng một số thuốc điều trị có thể gây ra tác dụng phụ này
- Lười vận động, không tập luyện thể dục
- Không bổ sung đủ nước cho cơ thể
- Chế độ ăn thiếu chất xơ
- Hội chứng ruột kích thích
- Nhịn đi cầu khi cảm thấy mắc
- Thay đổi thói quen hoặc lối sống, chẳng hạn đi du lịch
- Mang thai, người cao tuổi
Ngoài ra, bệnh táo bón mạn tính có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác, chẳng hạn như:
- Nứt hậu môn: Đây là hậu quả thường gặp do phân khô cứng làm xước niêm mạc hậu môn. Ngoài ra, tình trạng nứt hậu môn khiến bạn đau khi đi cầu, từ đó dẫn đến nhịn đi cầu và táo bón lại xuất hiện dai dẳng
- Tắc nghẽn ruột hay hẹp đại tràng: ung thư đại tràng, ung thư vùng bụng
- Sa trực tràng
- Có vấn đề liên quan đến thần kinh xung quanh đại trực tràng, như đa xơ cứng, tổn thương tủy sống…
- Cơ sàn chậu bị yếu
- Các bệnh lý ảnh hưởng đến hormone gồm đái tháo đường, cường giáp, suy giáp…
Các bài viết của THỰC PHẨM KHOẺ chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn tham khảo
8 Natural Laxatives That Actually Work To Relieve Constipation
Ngày truy cập 15.01.2017
8 Foods to Ease Constipation
http://www.patriciabannan.com/blog/nutrition/8-foods-to-ease-constipation/
Ngày truy cập 15.01.2017